Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất giúp cơ thể tạo ra miễn dịch, tăng sức đề kháng để chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay ngành Y tế đang triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng( TCMR) miễn phí cho trẻ dưới 12 tháng tuổi để phòng 8 bệnh truyền nhiễm, ngoài ra tại các Trung tâm y tế huyện còn tiêm thu phí đối với một số vacxin không thuộc chương trình TCMR. Biết rõ được lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh nhiều gia đình đã tự nguyện đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tuy nhiên vẫn có một số bà mẹ hoặc ông bố hoặc ông bà vẫn kiên quyết không cho con đi tiêm vì sợ con đau, sợ con sốt, sợ biến chứng (nghe lời đồn đại tiêm vắc-xin ảnh hưởng đến trí não của trẻ) hoặc viện cớ không có thời gian, vì nhà xa, vì đưa con đi rẫy…
Nước ta thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 và liên tục cho đến nay, nhiều loại bệnh hiểm nghèo như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt… hàng năm cướp đi hàng trăm sinh mạng trẻ thơ đã được khống chế có hiệu quả trên toàn quốc. Ở tỉnh Hà Giang năm nay là năm thứ 26 thực hiện thành công chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. bảo vệ thành công thành quả “Thanh toán bại liệt” và “Loại trừ uốn ván sơ sinh”, tỉ lệ mắc bệnh lao ở trẻ em giảm nhiều, các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản B, những ca mắc sởi chỉ còn rất ít. Nhìn chung hiệu quả tiêm vắc-xin phòng ngừa 08 bệnh (lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não mủ, sởi, viêm gan siêu vi B) sau 26 năm triển khai đến nay đã đem lợi ích sức khỏe cho trẻ em rất rõ ràng và đáng khích lệ. Tỉ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm vắc-xin phòng đủ 08 bệnh ở tỉnh ta luôn đạt > 95% hàng năm. Như vậy vẫn còn khoảng 5- 10% trẻ em không được bảo vệ bằng vắc-xin, đây là một sự thiệt thòi rất lớn cho các em và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tương lai của các em sau này.
Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng 8 bệnh( trong CT TCMR) cho trẻ em dưới 1 tuổi:
TT
|
Tuổi của trẻ
|
Vắc xin sử dụng
|
1
|
Sơ sinh( tháng đầu)
|
· BCG( phòng Lao)
· VGB ( phòngViêm gan B) mũi 0 - tiêm sau sinh trong vòng 24 giờ
|
2
|
Đủ 02 tháng
|
· Hib mũi 1 (phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Viêm phổi và viêm màng não)
· OPV 1 ( phòng bệnh Bại liệt)
|
3
|
Đủ 03 tháng
|
· Hib mũi 2
· ( phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Viêm phổi và viêm màng não) mũi 2
· OPV 2 ( phòng bệnh Bại liệt)
|
4
|
Đủ 04 tháng
|
· Hib mũi 3 ( phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, Viêm gan B, Viêm phổi và viêm màng não)
· OPV 3 ( phòng bệnh Bại liệt)
|
5
|
Đủ 09 tháng
|
· Sởi mũi 1
|
6
|
Đủ 18 tháng
|
· DPT mũi 4
· Sởi mũi 2
|
Diễn giải lịch tiêm chủng:
· Tháng 1 tức trẻ đẻ ra trong tháng tiêm VGB sơ sinh trong 24 giờ sau sinh và Tiêm 1 mũi Lao càng sớm càng tốt.
· Trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm Hib 1, uống OPV 1
· Trẻ 3 tháng tuổi: Tiêm Hib 2, uống OPV 2
· Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm Hib 3, uống OPV 3
· Trẻ đủ 9 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi
Quy trình tiêm chủng an toàn:
Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Mang theo phiếu (hoặc sổ) tiêm chủng.
- Đối chiếu “quy định tiêm chủng” dán tại các điểm tiêm chủng với việc thực hành tiêm chủng của cán bộ Y tế.
- Trước khi tiêm: các bậc phụ huynh cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế biết tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ như: đang bị bệnh truyền nhiễm, sốt, ho, tiêu chảy, tiền sử sinh non, dị ứng, có phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước đây. Đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ.
- Trong thời gian trẻ được tiêm: Cần theo dõi thông tin liên quan đến vắc – xin tiêm cho trẻ như: Kiểm tra vắc – xin sử dụng cho trẻ có đúng theo chỉ định của Bác sỹ không, vắc – xin được sử dụng phải còn nguyên nhãn, còn hạn sử dụng, được bảo quản lạnh trong phích vắc – xin , theo dõi bơm kim tiêm được sử dụng phải còn nguyên trong bao, còn hạn sử dụng cho mỗi lần tiêm.
- Theo dõi kỹ sau khi tiêm: Vì sự an toàn của trẻ, các bậc phụ huynh cần chấp hành để theo dõi tại điểm tiêm 30 phút theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Khi xuất hiện các dấu hiệu: Khóc thét dai dẳng trên 3 giờ, sốt cao, khó thở, bỏ bú, co giật, tím tái … cần báo ngay cho cơ sở tiêm chủng và lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.
Những phản sau tiêm chủng và cách xử trí:
Vắc – xin cũng như thuốc đều là những chất lạ, khi tiêm vào cơ thể cũng có thể gây ra những phản ứng bất thường không mong muốn cho trẻ, nhưng phần lớn là phản ứng nhẹ, rất hiếm trường hợp phản ứng nặng và gây tử vong. Sau tiêm chủng, trẻ có thể có phản ứng tại chỗ như: Đau nơi tiêm, cảm giác đau đó có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc. Một số trẻ có thể sưng tại chỗ tiêm, có khi đỏ, đau nhẹ, đa số tự khỏi sau 1 -2 ngày. Một số ít trường hợp tại chỗ tiêm có thể sưng, đau lâu hơn, nhất là với trẻ tiêm mũi BCG, DPT. Cũng có trẻ lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm, có thể kéo dài từ 3 – 6 ngày. Đây là các phản ứng thông thường do vắc – xin tác động vào cơ thể gây phản ứng miễn dịch. Có thể xử trí tại nhà bằng cách chườm lạnh tại chỗ tiêm để làm giảm đau cho trẻ.
Một số trẻ khác, sau khi tiêm vắc – xin khoảng 1 giờ hoặc 1 ngày có thể bị sốt nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao trên 390 C, kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu, với trường hợp này nên chườm mát bằng nước ấm và sử dụng thuốc hạ sốt.
Ở một số trẻ có tiền sử dị ứng thì có thể bị nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay… các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau một vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu nhiều thì đôi khi phải dùng một số thuốc chống dị ứng.
Các phản ứng trên thường nhẹ, sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Đôi khi trẻ có những phản ứng nặng như sốt cao không hạ kéo dài, co giật, tím tái, thở khó, co lõm ngực, quấy khóc nhiều, lừ dừ, bỏ bú… khi đó cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Những phản ứng nặng sau tiêm chủng như sốc phản vệ thường hiếm gặp. Phản ứng nặng sẽ được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng:
Tiêm vắc – xin là một phần quan trong nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, những phản ứng tạm thời kể trên không gây nguy hại cho trẻ và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm chủng. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên tiêm chủng, đó là những trẻ đang ở trong tình trạng mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Những trường hợp này được coi là “chống chỉ định” của việc tiêm chủng gồm:
- Chống chỉ định tạm thời: Trẻ đang sốt, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm phổi, thương hàn, tiêu chảy, sởi… trẻ mới khỏi bệnh và đang trong thời kỳ hồi sức, đang bị bệnh ngoài da, có mủ hoặc bệnh chàm ngoài da (Eczema).
- Chống chỉ định lâu dài: Trẻ đang mắc bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch màng phổi, đặc biệt là đang mắc bệnh ở thận như viêm thận mạn tính…
Một số chống chỉ định đặc biệt: Đối với tiêm phòng lao nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân, bị bệnh cấp tính, bị bệnh ngoài da lan rộng. Đối với tiêm phòng sởi nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc Corticoid. Đối với tiêm phòng thương hàn nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, tiểu đường hoặc đang trong tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng như đang trong thời kỳ có cơn hen phế quản, mẩn ngứa, nổi mề đay…
Chú ý: - Các loại vắc xin tiêm chủng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu trẻ được tiêm đủ liều và đúng theo lịch tiêm chủng.
- Phải chủ động tiêm chủng trước khi có dịch bệnh xảy ra, không nên thấy có dịch bệnh rồi mới đi tiêm chủng vì như vậy hiệu quả của việc tiêm chủng sẽ không cao, và rất dễ xảy ra tình trạng thiếu thuốc tiêm chủng.
“Tiêm chủng là niềm hạnh phúc của trẻ thơ vì vậy các gia đình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng”
Bs. Nguyễn Lê Hồng
Giám đốc Trung tâm TT/ GDSK
Người đưa tin: Nguyễn Thị Như Thục