Cấu trúc của ZIKV giống như các vi rút thuộc họ Flaviviridae khác. Bao gồm một nucleocapsid đường kính khoảng 25-30 nm được bao quanh bởi một màng lipid kép chứa các protein vỏ E và M. Hạt vi rút có đường kính khoảng 40 nm với những phần nhô ra ở bề mặt đo khoảng 5-10 nm [8]. Các protein bề mặt được sắp xếp thành khoảng hai mươi mặt đối xứng giống nhau.
4. Chu kỳ sinh sản của vi rút Zika trong tế bào cảm thụ
Chu kỳ sinh sản của ZIKV cũng giống như những vi rút thuộc họ Flaviviridae. Đầu tiên, hạt vi rút gắn vào các thụ thể ở màng tế bào cảm thụ thông qua các protein vỏ giúp vi rút xâm nhập vào tế bào cảm thụ. Tiếp theo, vi rút bơm vật liệu di truyền ssRNA vào tế bào chất của tế bào cảm thụ. Sau đó nó được dịch mã thành polyprotein tiếp theo nó bị cắt thành các protein cấu trúc và phi cấu trúc. Sự sao chép sau đó diễn ra ở tế bào chất được xem là nhà máy sản xuất vi rút kết quả tạo ra sợ ssRNA của ZIKV. Cuối cùng là lắp ráp thành hạt vi rút hoàn chỉnh và các hạt vi rút mới được vận chuyển đến các bộ máy Golgi và sau đó thải vào khoảng không nội bào nơi các hạt vi rút mới có thể lây nhiễm sang các tế bào cảm thụ mới [7].
5. Liên quan giữa vi rút Zika với môi trường và nghiên cứu bệnh học bệnh do vi rút Zika
5.1 Dịch tễ học
Kể từ khi ZIKV được phát hiện đầu tiên ở Uganda, sau đó là ở các quốc gia châu Phi và châu Á (Gabon, Ai Cập, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Campuchia, Micronesia, Malaysia, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan , Philippines, Indonesia) [3] và cũng như đã xuất hiện ở Brazil năm 2015 , rất có thể được bệnh được mang từ các nước phương Tây tới thế vận hội World Cup 2014 [4].
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút ZIKA, tuy nhiên nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền vi rút ZIKA, đồng thời hiện nay vi rút ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ vi rút ZIKA có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.
5.2 Lan truyền
Sự lan truyền ZIKV chủ yếu là do muỗi. Tuy nhiên, một trường hợp gần đây cho thấy rằng nó có khả năng lan truyền từ người sang người, có thể đây là lần đầu tiên một bệnh do côn trùng truyền có khả năng lan truyền qua đường tình dục [1]. Trong tự nhiên, nguồn chứa vi rút Zika chủ yếu hiện diện ở các loài linh trưởng [2]. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã tìm thấy kháng thể chống lại ZIKV ở loài gặm nhấm [11]. Bởi vì nó có khả năng truyền qua đường tình dục, nên các nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành để xác định tất cả các nguồn chứa và các véc tơ côn trùng để hiểu rõ hơn về sự lan truyền ZIKV.
5.3 Véc tơ truyền
Sự lan truyền của ZIKV trong tự nhiên giống như các loại vi rút thuộc họ Flaviviridae gần với ZIKV. Sự lan truyền này bao gồm muỗi và một loạt động vật có vú [10]. Đối với ZIKV, nhiều loài muỗi thuộc giống Aedes là véc tơ truyền như Ae. africanus, Ae. aegypti, Ae. vitattus, Ae. furcifer, Ae. apicoargenteus, và Ae. luciocephalus [2]. “Lan truyền ngang” là thuật ngữ nói đến khả năng lan truyền vi rút từ muỗi sang các động vật có vú. Ngược lại, “lan truyền dọc” là các quần thể muỗi truyền vi rút cho các thế hệ sau của chúng. Lan truyền xảy ra khi một véc tơ nhiễm vi rút đốt vật chủ [10]. Nghiên cứu cho thấy rằng thời gian ủ bệnh của ZIKV trong muỗi là khoảng 10 ngày [2].
5.4 Lan truyền từ người sang người
Một trường hợp bệnh điển hình, đó là vào năm 2008, Tiến sĩ Brian Foy của Đại học Colorado sau khi đi nghiên cứu ở Senegal trở về thì dường như đã truyền ZIKV cho vợ sau khi quan hệ tình dục. Cả tiến sĩ Foy và nghiên cứu sinh của ông là Kevin Kobylinski đã bị nhiều loài muỗi đốt khi ở nước ngoài và bị bệnh khoảng 5 ngày sau khi trở về Mỹ. Cả hai đã có dấu hiệu sốt Zika và vợ của Tiến sĩ Foy đã thấy trong tinh dịch của chồng mình dường như có máu. Khoảng 10 ngày sau đó, vợ Foy có những dấu hiệu của sốt Zika trong khi bốn đứa con của họ vẫn khỏe mạnh. Lúc đầu, người ta cho rằng Foy bị bệnh sốt xuất huyết, nhưng sau khi Kevin Kobylinski gặp một nhà côn trùng học y học - người đã có kinh nghiệm với ZIKV, xét nghiệm được tiến hành cả ba bệnh nhân đều có kháng thể chống lại ZIKV. Bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng quan hệ tình dục là phương thức lây truyền nhưng tính chắc chắn không cao do vợ của Foy đã bị muỗi Aedes đốt ở Colorado. Ngoài ra, vi rút phải mất 2 tuần mới hoàn thành chu kỳ ở muỗi trước khi gây nhiễm cho con người và vợ của Foy đã xuất hiện các triệu chứng chỉ 10 ngày sau khi ông trở về.
Ngoài quan hệ tình dục, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ZIKV có thể lây truyền qua truyền máu và con người có thể là một nguồn bệnh lây truyền từ người sang người.
5.5. Sốt Zika và sinh bệnh học ZIKV
Sốt Zika là bệnh liên quan đến nhiễm ZIKV. Trong khi có ít nguồn thông tin mô tả riêng về sinh bệnh học ZIKV, sự đồng thuận chung là các vi rút thuộc họ Flaviviridae do muỗi truyền được tái nhân bản đầu tiên ở trong các tế bào dendritic tại vị trí nhiễm, tại đó nó lây lan sang các khu vực khác của cơ thể qua đường máu và hệ bạch huyết. Hạt vi rút được nhân lên trong tế bào chất của các tế bào bị nhiễm, nhưng có một nghiên cứu cho thấy kháng nguyên ZIKV cũng có thể được tìm thấy trong nhân của tế bào vật chủ bị nhiễm [2].
5.6 Triệu chứng
Tài liệu đầu tiên về ca bệnh sốt Zika năm 1964 mô tả các triệu chứng như: trước tiên là bị đau đầu và sau đó phát ban dát sần (maculopapular rash) bao phủ một phần cơ thể ở ngày hôm sau. Ngoài ra, trong cơn sốt thường kèm với đau lưng và một cảm giác chung của người bệnh là thấy khó chịu. Năm 1973, một bệnh nhân bị sốt Zika với biểu hiện sốt, đau khớp, đau đầu nhưng không phát ban. Một ổ dịch ở Indonesia có 7 bệnh nhân có biểu hiện sốt, nhưng có thêm các triệu chứng khác như đau bụng và chóng mặt, tiêu chảy và biếng ăn nhưng không có dấu hiệu phát ban. Ổ dịch trên đảo Yap (nằm trong quần đảo Caroline của phía tây Thái Bình Dương, và một phần của Liên bang Micronesia) biểu hiện có phát ban dát sẩn, đau khớp, và viêm kết mạc. Trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng đều nhẹ và thường tự hết trong một tuần mà không cần nhập viện hoặc không có nguy cơ bị biến chứng nặng.
5.7 Chẩn đoán
Chẩn đoán nhiễm ZIKV bao gồm xét nghiệm PCR để phát hiện vật liệu di truyền của vi rút cũng như các xét nghiệm bổ sung để phát hiện kháng thể chống lại ZIKV (IgM) trong huyết thanh. IgM chống lại ZIKV thường phát hiện được khoảng 3-5 ngày sau khi nhiễm bệnh, nhưng phản ứng chéo thường xảy ra với sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản, và vi rút Tây Sông Nile. Nhiễm chéo thường phổ biến ở những bệnh nhân đã từng bị nhiễm các vi rút thuộc họ Flaviviridae trước khi nhiễm ZIKV. Xét nghiệm PCR nên được tiến hành trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh. Để tiến hành chẩn đoán tốt nhất, mẫu huyết thanh nên được xét nghiệm phân tích càng sớm càng tốt, rồi xét nghiệm lần thứ hai trong vòng 2-3 tuần sau đó [2].
5.8 Điều trị và phòng chống
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Zika, cũng bởi vì các triệu chứng của bệnh tương đối nhẹ và bệnh có thể tự hết, nên chỉ sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ, cung cấp nước thường xuyên và nghỉ ngơi. Có thể sử dụng Acetaminophen để chống lại sốt [6].
ZIKV được lan truyền bởi muỗi, theo khuyến cáo của CDC nên sử sụng kem xua, mặc quần áo dài tay và các biện pháp can thiệp khác để giảm số lượng muỗi [2] khi vào vùng lưu hành bệnh. Ngoài ra, qua các nghiên cứu gần đây và thực tế cho thấy ZIKV có khả năng lây truyền qua đường tình dục, do đó cần phải thực hành tình dục an toàn.
Theo CDC, loại vi rút này đang lây lan khá nhanh tại châu Mỹ, do đó cần cảnh báo càng sớm càng tốt cho tất mọi người là điều rất quan trọng. Bao gồm hạn chế đi lại tới 14 nước và vùng lãnh thổ là Brazil, Colombia, El Salvador, Guyane thuộc Pháp, Guatemala, Haiti, Honduras, Martinique, Mexico, Panama, Paraguay, Suriname, Venezuela và Puerto Rico nếu không cần thiết.
CN. Trần Nguyên Hùng
ThS. Đoàn Bình Minh
(Lược dịch từ: https://microbewiki.kenyon.edu/index.php/Zika_virus)