Ở mỗi lứa tuổi tồn tại một mức độ vận động thích hợp. Nếu không đạt được mức độ vận động này có nghĩa là thiếu hụt vận động sẽ dẫn đến chậm lớn, chậm phát triển cũng như giảm khả năng thích nghi của cơ thể.
Sự thiếu hụt vận động ở trẻ nhỏ trước hết ảnh hưởng đến hệ cơ – xương, sức bền và khả năng làm việc của cơ thể, giảm sự dẻo dai, khéo léo, linh hoạt.Nếu sự thiếu hụt vận động kéo dài sẽ xuất hiện sự giảm sút rõ rệt khả năng chống lại các yếu tố ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, vi khuẩn, vi rút. Trẻ thiếu hụt vận động hay mắc bệnh truyền nhiễm gấp 3 -5 lần trẻ khác.
Đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, để tránh sự thiếu hụt vận động thì mỗi ngày phải vận động tích cực trong khoảng một giờ. Thời gian vận động này có thể chia làm 2 - 3 lần đối với trẻ.
Cách tốt nhất là cho trẻ tập thể dục và chơi các trò chơi vận động một cách có hệ thống và có mục đích. Những giờ học vận động thường xuyên nhưng lặp đi lặp lai một cách có hệ thống sẽ dễ dàng để lại dấu ấn bền vững. Các bài tập cho trẻ cần phải đa dạng, phù hợp với trẻ và nhằm mục đích hoàn thiện các vận động như đi, chạy, nhảy, bò, leo trèo, ném.
Ngoài các giờ thể dục và trò chơi vận động ở trong lớp, cần phải tận dụng môi trường thực tế bên ngoài để trẻ tự vận dụng những kiến thức đã được học thực hiện lại kỹ năng của các bài tập.
|