TẦM QUAN TRỌNG CỦA DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CHIỀU CAO
Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình tăng trưởng và phát triển. Mỗi tổn thương nặng nề về dinh dưỡng và chuyển hóa ở thời điểm nhất định sẽ gây suy yếu ở các chức năng đang phát triển mà sau này ít hoặc không phục hồi được. Vì thế cần quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em thông qua bữa ăn hàng ngày phù hợp với từng thời kỳ phát triển của trẻ:
+ Thời kỳ mang thai: khi thai nhi bị thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân của tình trạng thấp còi về sau. Qúa trình thấp còi khởi đầu từ trong tử cung và tiếp tục trong hai, ba năm đầu tiên của cuộc đời. Do đó cần chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước khi có thai. Cần cung cấp đầy đủ protein, năng lượng, kẽm và sắt, kali, photpho và một số chất khoáng khác để thai nhi phát triển tốt tránh suy dinh dưỡng trong bào thai.
+ Thời kỳ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: ở thời kỳ này trẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất đến ngày sinh nhật đầu tiên thì chiều dài tăng 50% so với chiều dài khi sinh. Nhu cầu đối với tất cả các chất dinh dưỡng của trẻ em nhỏ đều rất cao so với kích thước cơ thể. Tất cả trẻ em đều được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 thàng đầu tiên, tiếp tục cho bú mẹ từ 18 – 24 tháng tuổi cùng với cho trẻ ăn thức ăn bổ sung hợp lý. Do dạ dày của trẻ em còn rất nhỏ nên cần phải ăn nhiều bữa những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bên cạnh bú mẹ. Ngoài năng lượng, khẩu phần các chất dinh dưỡng đặc biệt là protein và các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, kẽm, iot, vitamin D) rất cần cho sự phát triển chiều cao của trẻ.
+ Thời kỳ trẻ (1-5 tuổi): trẻ từ 1-5 tuổi là giai đoạn phát triển thể lực và trí lực rất quan trọng và có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Năm thứ hai và năm thứ ba chiều cao tiếp tục tăng nhưng chậm hơn so với năm đầu chiều cao tăng 6 - 8 cm, trẻ trai tăng trưởng nhiều hơn trẻ gái. Nhiều nguyên cứu cho thấy ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam giai đoạn từ 6 – 24 tháng tuổi là giai đoạn có nguy cơ cao nhất về tủy lệ suy dinh dưỡng cho đến 5 tuổi. Trong chế độ dinh dưỡng ngoài protein và năng lượng, các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, iood, kẽm, virtamin D ... có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Chúng ta không thể khẳng định chiều cao tối hạn của người Việt Nam sẽ là bao nhiêu vì điều đó phụ thuộc cả vào tiềm năng di truyền, nhưng khi chế độ dinh dưỡng và mức sống được cải thiện chắc chắc chiều cao của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng dọc theo thế kỹ XXI thông qua nhiều thế hệ.
Người viết tin: Nguyễn Thị Như Thục
Ngày đăng tin: 08/02/2017